Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh từ ngày 10/1 đến ngày 19/1/2022

2022-01-23 21:40:00.0

 

1. Ngày 11/01/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 111/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.

Thực hiện Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung quy định tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

 

2. Ngày 12/01/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022.

Kế hoạch nhằm mục đích rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) đang áp dụng để đề xuất xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ TTHC, quy định hành chính có liên quan không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu nguyên tắc về quy định và thực hiện TTHC; cắt giảm chi phí thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, góp phần cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Công tác rà soát, đánh giá TTHC phải được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, đúng thời gian. Kết quả rà soát, đánh giá TTHC phải cụ thể, thiết thực, đảm bảo đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền ban hành hoặc kiến nghị bộ, ngành đơn giản hóa các TTHC.

Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương, gửi về UBND tỉnh chậm nhất ngày 28/01/2022.

UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND cấp xã thuộc phạm vi quản lý thực hiện rà soát, đánh giá TTHC năm 2022 của địa phương mình bảo đảm nội dung, đúng tiến độ; tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá TTHC của địa phương gửi các sở, ban, ngành có liên quan và UBND tỉnh chậm nhất ngày 30/5/2022.

Các sở, ban, ngành thực hiện rà soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; nghiên cứu, thẩm định kết quả rà soát, đánh giá TTHC của các huyện, thành phố, thị xã; tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá theo ngành, lĩnh vực gửi hồ sơ về Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 30/6/2022 để kiểm tra, đánh giá chất lượng.

 

3. Ngày 14/01/2022, Ban Chỉ đạo Tết tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ thực hiện các hoạt động phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm: Chuẩn bị tốt các điều kiện để Nhân dân được đón tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, khơi dậy niềm tự hào, tôn vinh và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh về tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tuyên truyền những thành tích, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện năm 2022; động viên cán bộ, quân và dân tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2022 ở mức cao nhất ngay từ những tháng, quý đầu năm, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2022.

Đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cảnh quan; đảm bảo cung cấp điện, nước ổn định, thông tin liên lạc thông suốt.

Kế hoạch cũng nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành và các địa phương.

 

4. Ngày 14/01/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - xuân Nhâm Dần năm 2022” gắn với thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, việc tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - xuân Nhâm Dân năm 2022" phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, ý nghĩa, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, khuyến khích được các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng; vận động mỗi người dân trồng từ 1 đến 2 cây xanh trở lên để tận dụng được đất đai, đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thời gian thực hiện từ Tết trồng cây xuân Nhâm Dần năm 2022. Tổng số cây trồng 1.705.000 cây (tương đương 1,705 ha), thực hiện trên địa bàn các huyện: Định Hóa 345.000 cây, Phú Lương 205.000 cây, Đại Từ 257.000 cây, Đồng Hỷ 351.000 cây, Võ Nhai 321.000 cây, Phú Bình 83.000 cây, thị xã Phổ Yên 92.000 cây, thành phố Thái Nguyên 31.000 cây, thành phố Sông Công 20.000 cây. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, cây thân gỗ, lâu năm, đa mục tiêu, cây bản địa. Lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây giống đem trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái của từng địa phương gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Nguồn cây giống do các địa phương chủ động bố trí thực hiện, có thể trồng một số loài cây: Trám, Lát hoa, Lim xanh, Giổi xanh, Long não, Muồng hoàng yến, hoa Ban, Bằng Lăng, Phượng vĩ...

 

5. Ngày 18/11/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về xây dựng, phát triển huyện Phú Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Kế hoạch đề ra mục đích, yêu cầu gồm: Xây dựng và phát triển huyện Phú Bình cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, năng động, sáng tạo, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đô thị, dịch vụ bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị. Tiếp tục nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.

Các sở, ban, ngành và UBND huyện Phú Bình chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung theo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Việc xây dựng kế hoạch phải gắn với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện chung của tỉnh. Bám sát các nội dung Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/5/2021 và nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kế hoạch đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

 

6. Ngày 19/01/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND về việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh Thái Nguyên năm 2022 nhằm:

Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (bệnh Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trên trâu bò, Dại chó,…). Thực hiện giám sát chủ động, giám sát bị động các tác nhân gây bệnh động vật thủy sản; điều tra ổ dịch xác định nguyên nhân và đề ra các biện pháp xử lý.

Tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và cả nước nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của lực lượng nhân viên, công tác viên thú y cơ sở và Nhân dân trong việc giám sát, khai báo dịch bệnh.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng nhân viên, cộng tác viên thú y cơ sở tại các xã, phường, thị trấn; mở các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và kiến thức pháp luật thú y đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, các hộ kinh doanh buôn bán, vận chuyển, giết mổ.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, chủ động kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát chủ động dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh để đề ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Thực hiện tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm của gia súc, gia cầm phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016; Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tổ chức triển khai định kỳ công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và công tác vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn