Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Bối cảnh ra đời và ý nghĩa ngày pháp luật Việt Nam (09/11)

2020-10-20 09:58:00.0

Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay gọi ngắn gọn là Ngày pháp luật là một ngày kỷ niệm tại Việt Nam vào ngày 09 tháng 11 hàng năm, bắt đầu từ năm 2013, ngày pháp luật được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam. Đây là ngày trong năm để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Ngày 09 tháng 11 chính là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành nên Việt Nam lấy đó làm Ngày Pháp luật.

Về cơ sở pháp lý, ngày pháp luật được quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Vào ngày 08 tháng 11 năm 2013, tại Hà Nội, Hội đồng phổ biến giáo dục trung ương và Bộ Tư pháp tổ chức Lễ Công bố Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày pháp luật do đích thân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chính thức công bố. Như vậy Sau quy định của Hiến pháp về Ngày Quốc khánh, đây là lần thứ hai, có một đạo luật quy định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hằng năm - Ngày Pháp luật Việt Nam của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng tới mục đích, ý nghĩa sau:

         1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật
         Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để từ một ngày này góp phần để tất cả các ngày còn lại trong năm đều là Ngày Pháp luật.

           2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật
         Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật; xây dựng niềm tin,tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
          3. Đề cao giá trị con người nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật của kỷ cương, phép nước
           Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

         4. Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
          Xây dựng nhà nước pháp quyền đòi hỏi việc nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương pháp luật, là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật. Pháp luật chỉ có thể trở thành công cụ điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp nhận; chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Bởi thế, phổ biến giáo dục pháp luật được coi là khâu đầu tiên của việc thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật vào đời sống. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

         Đối với việc thi hành pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế xã hội và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.

          5. Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý

           Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức vì sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của người dân vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Ngày Pháp luật được tổ chức với ý nghĩa đó.

           Với những ý nghĩa như vậy có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta./.

                                                                                                                          Văn Thạo (st)